;

lượt xem

Hư hỏng và phương pháp sửa chữa nắp máy và các te

I. NẮP MÁY
1. Công dụng
Đậy kín lỗ xilanh cùng với đỉnh pittông và xi lanh tạo ra buồng cháy của động cơ.
Làm giá đỡ cho một số chi tiết như xu páp, bu gi (động cơ xăng), vòi phun (động cơ diesel).
2. Điều kiện làm việc
Trong quá trình động cơ làm việc, điều kiện làm việc của nắp máy rất khắc nghiệt như chịu tác dụng của nhiệt độ cao, áp suất khí thể rất lớn và bị ăn mòn hoá học bởi các chất ăn mòn trong khí cháy.
3. Vật liệu chế tạo
Nắp máy của động cơ diesel làm mát bằng nước đều đúc bằng gang hợp kim. Còn nắp máy làm mát bằng không khí thường chế tạo bằng hợp kim nhôm.
Nắp máy của động cơ xăng thường dùng hợp kim nhôm, có ưu điểm nhẹ, tản nhiệt tốt, giảm được khả năng kích nổ. Tuy nhiên, sức bền cơ và nhiệt thấp so với nắp máy bằng gang.
4. Cấu tạo
Nắp máy là một chi tiết phức tạp, nên cấu tạo rất đa dạng. Tuy nhiên, tuỳ theo loại động cơ, nắp máy có một số đặc điểm riêng.
Nắp máy có kết cấu tuỳ thuộc vào kiểu buồng cháy, số xi lanh, cách bố trí xu páp và bu gi, kiểu làm mát cũng như kiểu bố trí đường nạp và đường xả.
 Nắp máy của động cơ bốn kỳ dùng cơ cấu phối khí xu páp đặt có cấu tạo đơn giản. Ở nắp có các lỗ để lắp bu gi hoặc vòi phun và lỗ lắp gugiông.v.v...
Nắp máy của động cơ bốn kỳ dùng cơ cấu phối khí xu páp treo (hình 19 - 9) có cấu tạo phức hơn. Nắp máy này có thêm đế xu páp, ống dẫn hướng xu páp , cửa nạp, cửa xả.v.v...
Ngoài ra, trong nắp máy có bố trí buồng cháy, hình dáng buồng cháy phụ thuộc vào từng loại động cơ, có khoang rỗng chứa nước và các đường dẫn nước hoặc phiến tản nhiệt. Trên nắp máy thường có lắp đặt một số cơ cấu và hệ thống phụ khác như: cơ cấu giảm áp, nắp che, van nhiệt.v.v...
Các loại nắp máy
                                    a. Nắp máy của động cơ làm mát bằng không khí
                                    b. Nắp máy động cơ làm mát bằng nước
Nắp máy có thể đúc liền thành một khối hoặc đúc rời cho từng xi lanh. Để lắp ghép được kín, mặt tiếp xúc của nắp máy với thân máy được gia công rất cẩn thận, chính xác và nhẵn.
Đệm nắp máy
Để đảm bảo chỗ tiếp xúc được thật kín khít phải dùng tấm roăng (đệm) vào giữa hai mặt tiếp xúc của nắp và thân. Tấm đệm, thường làm bằng amiăng hoặc amiăng có bọc thép hay đồng mỏng có chiều dày khoảng 1,50 - 1,75mm. 
II. CÁC TE
1. Nhiệm vụ
Các te hay hộp trục khuỷu dùng để chứa dầu bôi trơn động cơ ở động cơ và che kín phần dưới động cơ.
2. Vật liệu chế tạo
Các te động cơ diesel thường được đúc bằng gang, còn động cơ xăng được dập bằng thép tấm hay bằng hợp kim nhôm.
Cấu tạo các te
3. Cấu tạo
Các te có thể đúc liền với thân xi lanh hoặc đúc rời. Các te thường có cấu tạo đơn giản. Tuy nhiên, ở một số động cơ do yêu cầu phối hợp làm việc giữa các cơ cấu và hệ thống mà các te có cấu tạo phức tạp hơn. Ví dụ: Các te động cơ môtô, xe máy không những là được dùng để lắp đặt trục khuỷu mà còn dùng để lắp đặt các bánh răng hộp số và các bộ phận truyền động khác như bánh đà từ (vôlăng manhêtíc), bộ phận phát điện và bộ ly hợp .v.v...Các te thường làm thành hai nửa rồi dùng bu lông ghép chặt lại với nhau. Các te của động cơ xăng hai kỳ dùng để thổi khí nên làm kín.
Bên trong các te chia làm ba ngăn, ngăn giữa sâu hơn hai ngăn bên, giữa các ngăn có các vách ngăn để khi ôtô chạy đường dốc, tăng tốc độ, dầu không bị dồn về một phía làm thiếu dầu bôi trơn. 
Tại vị trí thấp nhất của các te  có nút xả dầu, trong có gắn một nam châm để hút các mạt kim loại trong dầu.
Các te được lắp ghép với thân máy bằng bu lông, giữa chúng có đệm lót để làm kín. Đệm lót có thể làm bằng bìa các tông. Hai đầu các te có phớt chắn dầu.
III. HIỆN TƯỢNG VÀ NGUYÊN NHÂN HƯ HỎNG, PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA, SỬA CHỮA NẮP MÁY
1. Hiện tượng, nguyên nhân hư hỏng 

Những hư hỏng của nắp máy cũng giống thân máy như: nứt, trờn lỗ ren và gãy vít cấy. Ngoài ra nắp máy còn bị cong vênh làm cho mặt tiếp xúc với thân máy không được kín khít. 

2. Phương pháp kiểm tra 
Khi nắp máy bị nứt, trờn ren hay gãy vít cấy thì kiểm tra như thân máy. Còn nắp máy bị cong vênh có thể kiểm tra như sau:
- Dùng thước thẳng hoặc bàn rà.
Khi kiểm tra cong vênh của nắp máy, đặt căn lá vào giữa mặt tiếp xúc của nắp máy và thước thẳng hay bàn rà (bàn máp) để đo trị số sai lệch.
- Dùng bột màu.
Bôi một lớp mỏng bột màu đỏ lên mặt phẳng nắp máy hoặc bàn rà. Cho mặt lắp ghép của nắp máy và bàn rà tiếp xúc với nhau rồi kéo đi kéo lại một hai lần, sau đó lật lên xem, nếu thấy bột màu tiếp xúc không đều là nắp máy bị cong vênh. Trong trường hợp không có bàn rà, có thể dùng một miếng kính dày trên có bôi một lớp bột màu mỏng rồi đặt úp lên mạt nắp máy, sau đó xoay hay kéo đi kéo lại để kiểm tra.
Ngoài ra, có thể phán đoán qua thời gian sử dụng bằng cách lắp đệm hoặc roăng mới và xiết chặt nắp máy đúng yêu cầu kỹ thuật, nếu vẫn thấy bọt khí ở trong xi lanh xì ra thì chắc chắn nắp xi lanh bị cong vênh.
 Kiểm tra mặt phẳng nắp máy                                            
2. Phương pháp sửa chữa 

Khi nắp máy bị nứt, trờn lỗ ren, gãy vít cấy có thể sửa chữa như thân máy.

Khi toàn bộ chiều dài phần cong vênh của nắp máy lớn hơn 4 - 5% tổng chiều dài nắp máy thì thay mới, còn nhỏ hơn thì có thể sửa chữa như sau:
- Dùng mũi dao để cạo
Nếu mặt phẳng lắp ghép bị cong vênh ít, dùng dao cạo để các chỗ nhô cao cho phẳng và phải làm nhiều lần cho đến khi các điểm tiếp xúc trên mặt nắp máy tiếp xúc đều với bàn rà thì thôi.
- Dùng bột rà
Khi nắp máy bị cong vênh có thể dùng bột rà bằng cách bôi một lớp bột rà mặt phẳng lắp ghép với thân máy rồi cho nắp máy và thân máy hoặc nắp máy với bàn rà rà với nhau. 
- Dùng máy mài phẳng
Khi nắp máy bị vênh lớn hơn 0,5mm, ta có thể mài để cắt gọt bớt một lượng kim loại nhất định cho phẳng ở trên máy mài phẳng hoặc máy mài đứng, nhưng phải chú ý bảo đảm không cắt gọt quá nhiều để khỏi làm ảnh hưởng đến tỷ số nén đối với động cơ có buồng cháy nằm ở nắp máy. 
IV. HIỆN TƯỢNG VÀ NGUYÊN NHÂN HƯ HỎNG, PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA, SỬA CHỮA CAC TE
1. Hiện tượng và nguyên nhân hư hỏng
Hư hỏng của các te thường là móp, thủng, vênh mặt phẳng lắp ghép, do chịu va đập mạnh, tháo lắp sai kỹ thuật.
2. Phương pháp kiểm tra: 
Khi các te bị biến dạng, thủng có thể nhận biết bằng mắt thường.
3. Phương pháp sửa chữa:
Các te bị biến dạng dùng phương pháp gò để sửa chữa. Các te bị nứt thủng dùng phương pháp hàn để làm kín.
a. Quy trình tháo nắp máy 
Để tiến hành kiểm tra, sửa chữa nắp máy, cần phải tháo nắp máy ra khỏi động cơ. Động cơ có nhiều kiểu thiết kế khác nhau, ở đây sẽ trình bày quy trình cơ bản để tháo nắp máy của một động cơ diesel có cơ cấu xu páp treo. 
Sau khi động cơ đã tháo ra khỏi xe, đặt động cơ lên giá và cạo sạch cặn dầu bám bên  ngoài động cơ, sau đó tiến hành tháo các bộ phận theo trình tự sau:
- Tháo các bu lông hay đai ốc khỏi cụm ống nạp, cụm ống xả và tháo cụm ống nạp, cụm ống xả ra khỏi nắp máy.
- Tháo các ống dẫn nước và các ống rẽ nhánh, sau đó tháo các bu lông và lấy bơm ra khỏi động cơ. 
- Tháo các đường ống dẫn nhiên liệu cao áp ra khỏi bơm cao áp và vòi phun
- Tháo đường ống dẫn nhiên liệu từ bầu lọc thứ cấp đến bơm, tháo bu lông nâng bơm cao áp ra khỏi động cơ.
- Tháo nắp đậy cơ cấu xu páp
- Tháo các bu lông nắp máy, chú ý nới lỏng dần các bu lông hai đầu vào giữa chéo nhau, rồi dùng cán bủa tay gõ nhẹ vào chung quanh nắp máy cho lỏng ra, không được dùng tuốc nơ vít cạy làm hỏng tấm đệm.
- Dùng dụng cụ tháo nắp máy bắt vào các lỗ ren lắp bu gi và nhấc nắp máy ra cho thăng bằng, rồi tháo tấm đệm ra.
- Dùng clê tháo gugiông ra khỏi thân động cơ, nếu không có clê tháo gugiông thì dùng hai clê vặn chặt hai đầu ốc vào nhau rồi tháo ra.
- Đặt nghiêng động cơ, tháo các bu lông cố định bộ ly hợp (tháo đối xứng không được tháo chiếc nọ kề chiếc kia). Gỡ bộ ly hợp ra khỏi động cơ và nới đai ốc cố định bánh đà
- Tháo các các te, đệm và phao lọc, ống dầu và bơm dầu.
- Làm sạch nắp máy, tiến hành kiểm tra và sửa chữa nắp máy và các te.
b. Quy trình lắp nắp máy
Sau khi kiểm tra, sửa chữa xong, lắp nắp máy lên động cơ theo thứ tự ngược lại thứ tự tháo.
Khi lắp nắp máy cần chú ý:
- Bôi  một lớp mỡ chì mỏng lên trên hai mặt tấm đệm nắp máy và lắp lên thân máy, mặt có lật mép hướng lên trên.
- Vặn chặt đều các đai ốc theo nhiều giai đoạn.
- Thứ tự vặn từ giữa ra hai đầu, chéo nhau.
- Kiểm tra mô men vặn đúng quy định của nhà chế tạo.
  Sơ đồ vặn các đai ốc nắp máy